Mùa mưa và cách trị ho

Mùa mưa và cách trị ho
Ngày đăng: 29/12/2021 10:57 PM

    Nhằm đảm bảo tính an toàn, hiệu quả trong sử dụng thuốc, về nguyên tắc, người bệnh cần tìm đến bác sĩ hoặc giới chuyên môn để được chẩn đoán, xác định nguyên nhân ho do dị ứng hoặc do viêm hay nhiễm trùng để được hướng dẫn cách trị liệu thích hợp. Nhưng trên thực tế, với những trường hợp ho mới phát sinh, trong thời gian đầu, người bệnh thường có thói quen tự chọn mua thuốc để dùng.

     

     Nhiều trường hợp xảy ra các tác dụng không mong muốn, ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính hoặc dẫn đến tử vong khi dùng một số thuốc điều trị đường hô hấp, thuốc giảm ho. Nguyên nhân do người sử dụng chưa có đầy đủ thông tin về các thuốc trên. Trước hết, đừng quên rằng ho là một phản xạ tự nhiên, là một trong những cơ chế cần thiết để bảo vệ phổi.

      Để bảo đảm an toàn, bạn cần thận trọng trước khi dùng thuốc. Bạn nên đọc công thức hoặc thành phần của một số chất thông dụng có chứa trong các chế phẩm điều trị ho như Acetylcystein có tác dụng làm loãng đàm, không được dùng cho phụ nữ đang cho con bú. Chlorpheniramin thuộc nhóm thuốc kháng histamin, giảm ho do dị ứng. Thuốc gây buồn ngủ, vì vậy không dùng thuốc khi phải thực hiện các công việc cần phải tập trung cao như lái xe, sử dụng máy móc, học thi…

      Codein thuộc nhóm thuốc gây nghiện, tác động lên hệ thần kinh trung ương làm giảm ho. Thuốc không dùng cho trường hợp suy hô hấp, suyễn. Do codein có tính gây buồn ngủ, vì vậykhông được dùng thuốc khi phải lái xe, sử dụng máy móc…

     Dextromethorphan là thuốc ức chế phản xạ ho trong trường hợp ho không rõ nguyên nhân. Thuốc gây buồn ngủ nhẹ, không dùng khi tình trạng ho kéo dài, nhất là đối với người hút thuốc lá nhiều hoặc bệnh nhân suyễn.

      Guaifenesin là thuốc long đờm, giúp giảm độ nhầy của đờm. Thuốc không dùng khi tình trạng ho kéo dài. Dùng quá liều sẽ gây nôn ói.

      Pseudoephedrin có tác dụng làm thông đường hô hấp trên. Thuốc không được dùng cho bệnh nhân cao huyết áp, phải thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có bệnh tim mạch; không dùng cho phụ nữ đang cho con bú. Cần lưu ý các dạng thuốc mới như các viên phóng thích kéo dài (extended-release tablets) có chứa 120mg pseudoephedrin, không dùng cho người lớn tuổi hoặc trẻ em dưới 12 tuổi, bởi nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ có hại của thuốc.

    Ngoài ra, việc phòng bệnh trong mùa mưa cũng rất quan trọng. Một số điều kiện sinh hoạt hàng ngày vốn ít được quan tâm đến, cũng dễ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp hoặc làm chậm lành bệnh, như các khăn che mũi - miệng tránh bụi, tránh nắng phải được thay, giặt sạch mỗi ngày.

     


     Khi bạn thường xuyên làm việc hoặc ngủ trong phòng có máy điều hòa không khí, cần được giữ ấm và có độ ẩm cần thiết. Môi trường trong các phòng này cần được thông thoáng, trao đổi khí tự nhiên mỗi ngày hoặc được khử trùng theo định kỳ.

     

      Nếu sinh hoạt trong môi trường có người bị bệnh đường hô hấp, bạn cần có biện pháp tránh lây nhiễm và nên dùng các thuốc giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Các kẹo thuốc ngậm thường có công dụng sát trùng đường hô hấp, răng miệng. Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng vì có nguy cơ kích ứng hô hấp gây ho nhiều hơn hoặc mất giọng...

     Vì vậy, bạn đừng quên vai trò tham vấn, hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa, nhất là trong các tình trạng bệnh ho kèm theo sốt kéo dài quá một tuần.

    Zalo